Lịch sử hình thành và phát xã Hải Lý

Lịch sử hình thành xã Hải Lý



Vào thế kỷ XIX vùng Đông Nam huyện khi đất biển đang bồi, cồn cát nổi nên (lịch sử hình thành huyện Hải Hậu ). Ngày 29/7/năm Giáp Tý (1864), cụ Đỗ Tông Phát cùng 117 tiên công lập minh ước xin triều đình khai khẩn. Tháng 11/1866 được Tự Đức chuẩn y, cử Đỗ Tông Phát làm phó sứ để khai khẩn. Ông cùng 117 tiên công, 2 hậu khẩn của 20 địa phương tới mở đất. Tháng 11/1864, đã đắp đê Ngự Hàm để ngăn mặn, ngăn sông Sâu, sông Cát, sông Hải Hậu đến năm 1885 thì hoàn thành. Dân Kiên Trung, Vọng Doanh, Phú Nhai, Hà Lạn, Quần Phương đến ở lập nên 4 lý công điền : Văn Lý, Tang Điền, Kiên Chính, Hoà Định (riêng Hoà Định, trước do dân xã Quần Anh Hạ khai khẩn).
Năm 1888, lập thành tổng Tân Khai thuộc Huyện Hải Hậu.

Ngoài 4 xã ban đầu lập thêm 2 xã mới: xã Tang Văn (từ một phần của hai xã Văn Lý, Tang Điền), xã Xương Điền (thành lập năm 1920).

Năm 1948, để phù hợp với yêu cầu mới của cách mạng, Huyện quyết định lập 4 khu-18 xã.,khu III được lập từ 3 xã thuộc Tổng Tân Khai và Tổng Quế Hải lập thành 3 xã.
- Xã Tân Hưng (Xương Điền, Văn Lý, Hoà Định).
- Xã Quang Trung (Trùng Quang, Thanh Trà, Trung Phương).- Xã Xuân Phương (Doanh Châu, Liên Phú, Quế Phương, Xuân Hà).
Ngày 15/10/1953 theo Nghị quyết 224/Ttg quy định tất cả các xã ở Hải Hậu đều có chữ Hải ở đầu và bỏ khu. Xã Quần Anh thành xã Hải Anh; xã Phương Anh thành xã Hải Đường; xã Trần Phú thành xã Hải Trung, xã Hoàng Nam thành xã Hải Long, xã Quần Phương thành xã Hải Phương, xã Tân Anh thành xã Hải Tân, xã Minh Khai thành xã Hải Minh, xã Hải Nam giữ nguyên, xã Phúc An thành xã Hải Phong, xã Tân Hưng thành xã Hải Lý, xã Hải lý ra đời từ đó cho đến nay

Vị trí địa lý của xã Hải Lý
Xã Hải Lý là một xã ven biển phía nam của huyện Hải Hậu và phía nam tỉnh Nam Định.
Có vị trí địa lý thuận lợi :
-          Phía đông giáp biển
-          Phía tây giáp thị trấn Cồn
-          Phía nam giáp xã Hải chính
-          Phía bắc  giáp xã Hải Đông và xã hải Tây


Dân số

Xã Hải Lý có diện tích 6,66 km², toàn xã có 2.577 hộ với 10.367 khẩu, mật độ dân số đạt 1556 người/km², trong đó có gần 9.600 khẩu theo đạo Công giáo, chiếm khoảng 93% dân số của xã. Trên địa bàn xã có 10 nhà thờ, 3 giáo xứ, 7 giáo họ, 4 linh mục quản nhiệm.
  
Kinh tế và phát triển

Nền kinh tế của Hải Lý chủ yếu là nghề nông,kinh doanh cây cảnh, làm muối, khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ.
Trước năm 2000, đời sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo thuộc loại cao nhất huyện Hải Hậu.  Không cam chịu cảnh đói nghèo, từ năm 2005, nhân dân Hải Lý dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, với vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc xã đã làm “cuộc cách mạng xanh”, đưa khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, biến những thửa ruộng hoang hóa, ruộng muối cho hiệu quả thấp sang trồng màu, cà chua, cây cảnh. Nhiều gia đình trong xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm tầu thuyền hiện đại, các phương tiện đánh bắt hải sản và cải tạo ao, hồ, đầm để nuôi tôm sú, tôm he chân trắng, cá bớp, các rô phi đơn tính.... Đảng viên là người đi tiên phong trong thực hiện chủ trương này của Đảng ủy, đồng thờivận động người dân cùng làm theo.Vì vậy, chỉ trong thời gian 5 năm, nhiều gia đình ở Hải Lý, từ nghèo đói đã vươn lên trở thành khá giả, giàu có. Có gia đình thuê 25 ha mặt nước ở ven biển để nuôi tôm, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Có gia đình, chuyển đổi 5 sào ruộng trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng cây cảnh, chỉ sau năm năm đã cho thu hoạch 3 tỷ đồng. Năm 2010, chỉ tính riêng thu nhập từ cây cảnh của các hộ nông dân ở Hải Lý đã đạt 60 tỷ đồng, và trong 7 tháng đầu năm 2011, thu nhập từ nguồn này cũng đạt 45 tỷ đồng. Các gia đình ông: Mai Văn Minh (Xóm 6), Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Quang (Xóm Tây Cát), Bùi Trọng Trinh, Bùi Văn Vo… hằng năm thu nhập từ bán cây cảnh hoặc bán tôm đạt vài trăm triệu trở lên… Ngoài ra, trên địa bàn xã còn thành lập nhiều dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân, đem lại hiệu quả kinh tế khá như tổ thợ mộc, tổ thợ nề, đan lưới cước, lưới sợi…thu hút hàng trăm lao động trên địa bàn xã.
 Do biết cách chuyển đổi cơ cấu kinh tế và biết tận dụng triệt để các lao động trong mỗi gia đình và lực lượng lao động trong toàn xã nên thu nhập của bà con nông dân nói chung, giáo dân nói riêng tăng lên rõ rệt. Đời sống trong mỗi gia đình được cải thiện đáng kể. Đến nay trên địa bàn xã có trên 40% số hộ có mức sống khá giả trở lên, 100% số hộ nhà ở kiên cố, bán kiên cố, có ti vi màu, hơn 80% số hộ có xe gắn máy, 95 % số hộ được dùng nước hợp vệ sinh. Đường giao thông liên thôn, liên xóm của xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở của xã đều đạt chuẩn quốc gia. Hàng năm toàn xã có trên 95% cháu tốt nghiệp trung học phổ thông và trên dưới 40 cháu đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia với một bác sĩ chuyên khoa cấp II và sáu y tá, y sĩ...

`Không chỉ đời sống vật chất của mỗi hộ được nâng cao mà đời sống tinh thần của nhân dân cũng có tiến bộ rõ nét. Những năm qua xã đã thực hiện khá tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Nội dung thực hiện cuộc vận động này trên địa bàn xã phong phú, thiết thực. Đây là cuộc vận động có tính cách mạng ở khu dân cư, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đời sống nhân dân trên địa bàn nói chung, đồng bào Công giáo nói riêng. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong xây dựngchương trình phối, kết hợp với các ban ngành, đoàn thể, bộ đội biên phòng,… Mặt trận Tổ quốc xã đã cụ thể hóa cuộc vận động thành những phong trào riêng biệt như các phong trào “ Xây dựng xứ, họ đạo bình yên”, “Xứ họ đạo không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Thôn xóm bình yên, đặc biệt là phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không” với các nội dung: Không còn hộ nghèo; Không còn tội phạm và tệ nạn xã hội; Không có trẻ em thất, bỏ học; Không có người sinh con thứ ba; Không có người khiếu kiện trái pháp luật. Đây là một trong những phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống ở nơi dân cư”, đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong xã và đã gặt hái được nhiều thành quả.

Kết quả đạt được từ các phong trào của xã, có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc xã. Được sự cổ vũ, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc xã, các linh mục, ban hành giáo và bà con giáo dân đã hăng hái làm từ thiện xã hội. Trong các xứ họ đạo đã thành lập 10 chi hội chữ thập đỏ và hội khuyến học do các ông trùm trưởng hoặc trùm phó làm chi hội trưởng hoặc BCH chi hội. Các chi hội đã tích cực vận động bà con giáo dân hằng năm đóng góp vào quỹ khuyến thiện, khuyến học trên dưới 100 triệu đồng để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người nhiễm chất độc da cam, xây nhà tình nghĩa, xây dựng lại nghĩa trang liệt sĩ, hỗ trợ khoan giếng nước sạch, công trình vệ sinh và giúp đỡ trẻ em nghèo hiếu học, làm phần thưởng cho những học sinh đoạt giải trong các kỳ thi huyện, tỉnh, quốc gia.  Hội khuyến học còn đến từng gia đình vận động đưa con em mình đi học đúng độ tuổi. Vì vậy, đến nay trên địa bàn xã không còn trẻ em bỏ học giữa chừng.

Trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, mặc dù còn nhiều khó khăn trở ngại do tâm lý của người Công giáo, song nhờ các thành viên Mặt trận xã và các đoàn thể nhân dân làm tốt công tác tuyên truyền nên số cặp vợ chồng tự nguyện không sinh con thứ ba ngày càng tăng và nhiều xóm giáo 3 năm liên tục không có người sinh con thứ ba, đã góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số của xã chỉ còn khoảng 1%.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, làng xóm văn hóa ở các khu dân cư được bà con giáo dân hưởng ứng tích cực, nhiều thôn, xóm đã xây dựng được hương ước, quy ước về nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Các khu dân cư đều có nhà văn hóa, điểm vui chơi thể thao. Nhiều hủ tục mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang, trong lễ hội được bài trừ. Nhiều cơ sở thờ tự của các giáo xứ, họ đạo được xây mới hoặc sửa chữa khang trang phục vụ cho các lễ nghi của tôn giáo. Phong trào xây dựng “xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng và hằng năm có khoảng 70% số xứ, họ đạt danh hiệu tiên tiến và gia đình Công giáo đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”; 100% xứ họ đạo đạt tiêu chuẩn “xứ họ không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội.

Vấn đề đáng chú ý là, Mặt trận Tổ quốc xã đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng chính quyền và trong chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc các cấp bà con giáo dân các giáo xứ, giáo họ đã chấp hành nghiêm các quy định về sinh hoạt tôn giáo; động viên con em của mình chấp hành tốt Luật nghĩa vụ quân sự, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước, không mắc vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, nghiện hút. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng chính quyền vững mạnh. Vào các dịp bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội gần đây, bà con giáo dân đã thể hiện rõ trách nhiệm của công dân đi bỏ phiếu sớm, đầy đủ.

Do có thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực nên nhân dân xã Hải Lý nói chung     , bà con giáo dân nói riêng đã được UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Hải Hậu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, huyện tặng nhiều Bằng khen, giấy khen.

Vậy nhân tố nào Hải Lý đạt được thành quả như vậy:

Một là, các chủ trương của Đảng ủy xã, chính quyền, nhất là chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hưởng ứng cuộc phát động “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” sát hợp với tình hình thực tế và tâm tư nguyện vọng của bà con giáo dân do đó đã tạo được sự đồng thuận của bà con trong thực hiện chủ trương đó. Khi có các nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy, thì người đứng đầu Đảng ủy, UBND xã có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm sớm đưa Nghị quyết của Đảng ủy vào cuốc sống.

Hai là, phát huy vai trò to lớn của Mặt trận Tổ quốc xã trong cổ vũ các phong trào ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc xã thường xuyên gặp gỡ các vị trong ban hành giáo, trưởng, phó các hội đoàn thể để thông qua họ nhắc nhở, động viên bà con giáo dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng “Xứ họ tiên tiến, gia đình Công giáo kiểu mẫu”, sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tham gia hoạt động từ thiện nhân đạo... Vì vậy, đã đem lại hiệu quả tốt trong thực hiện các phong trào.

Ba là, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Sự tôn trọng đó được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày, trong các lễ trọng của bà con giáo dân. Hằng năm vào trước lễ Noel, xã đều tổ chức đoàn đại biểu gồm đại diện  Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đến các nhà thờ thăm, tặng quà, tặng hoa, phát biểu chúc mừng; khi các giáo xứ, giáo họ xây dựng cơ sở thờ tự lãnh đạo chủ chốt của xã đến dự lễ khởi công. Do đó, bà con giáo dân, các tu sĩ tin tưởng, ủng hộ tích cực các phong trào ở địa phương. Đây là nhân tố quan trọng tạo sức mạnh to lớn của quần chúng có đạo trong xây dựng quê hương mạnh giàu./.

Không có nhận xét nào: